Đền Thọ quận công Phạm Tiêm, thường gọi là “Đền Thánh tổ” ở thôn Hưng Nhân, nay là xã Kỳ Hưng.
Phạm Tiêm (Đại Nam nhất thống chí chép Phạm Công Sám do phiên âm khác nhau) là con trưởng Thái phó Quảng quận công Phạm Đốc (1512-1558), nguyên quán tỉnh Hải Dương, đánh nhà Mạc có công, được phong tước Thọ quận công. Lúc làm trấn thủ Nghệ An, đóng ở Dinh Cầu, ông lập ấp ở tổng Đậu Chữ, sau vào ở thôn Hưng Nhân, xã Phú Nghĩa. Ông tổ chức khai hoang, mở ra cánh đồng xứ Đồng Nại (nay là xã Kỳ Hà) và đắp đê ngăn mặn, mở thêm 30 mẫu ruộng, lại đào con mương dưới chân núi Cao Vọng cho nước thông ra biển, tránh được lụt lội cho cả vùng. Ở Kỳ Anh đến nay vẫn còn truyền câu “Lấp cửa Lỗ, trổ Eo Bù”, nhắc lại việc này.
Phạm Tiêm chết tại trấn, được nhân dân lập đền thờ. Hàng năm ở đền có lễ giỗ Thánh tổ vào ngày 12 tháng Mười âm lịch. Cháu bốn đời của Phạm Tiêm là Điện quận công Phạm Hoành. Tương truyền, lúc làm trấn thủ Nghệ An (?) ông đóng quân ở Đá Bạc(1) ra trận bị chém đứt đầu, phi ngựa về đến làng Sơn Triều thì ngã xuống. Dân làng Sơn Triều và làng Hưng Nhân cùng lập đền thờ ông dưới động Chào (nay là xã Kỳ Thọ), thường gọi là đền Chào hay “Đền Thánh Tiên”. Trong đền có bức tượng bằng đồng đen (?). Hàng năm ở đây có lễ giỗ Thánh Tiên vào ngày 6 tháng Giêng âm lịch.
“Đền Thánh Tiên” (đền Chào) xưa đứng bên đường quốc lộ, cảnh rất đẹp. Ngô Thì Nhậm (1746-1803) trong bài “Dinh Cầu hữu cảm” có câu nói về cảnh đền này: “Tế liễu lục thùy Tiên thánh miếu” (Cây liễu buông mành biếc trước miếu Tiên thánh). Đền Phạm Hoành ở Sơn Triều đã bị đổ nát nay mới được sửa sang lại. Còn đền Phạm Tiêm ở Hưng Nhân đã dời đến một địa điểm mới. Đền thờ và mộ Phạm Tiêm được công nhận là di tích Lịch sử - Văn hóa cấp tỉnh vào tháng 8 năm 2005.
|