CẨM NANG > ĐỊA ĐIỂM DU LỊCH NGHỆ TĨNH
Print - Views: 1076
Chùa Diệc
Tin đăng ngày: 6/7/2013 - Xem: 1076
 

Hai tiếng "Chùa Diệc" trở thành niềm yêu mến của người dân thành phố Vinh từ lâu rồi - ngôi chùa lớn nhất ở Vinh và là một trong những ngôi chùa lớn nhất ở Nghệ Tĩnh. Người sáng lập ra ngôi chùa mượn ý trong kinh Phật để đặt tên: diệc bộ diệc xu có nghĩa là cùng bước theo cùng chạy theo (các bậc tu hành đắc đạo để lên cõi Niết Bàn).

Có phải như vậy chăng? Dân gian quanh vùng lại giải thích một cách khác đầy mầu sắc huyền bí và tôn nghiêm.

Thuở ấy, có cánh đồng màu có nhiều ao chuôm do bà con nông dân đào để lấy nước tưới đất canh tác. Bỗng một năm, hạn hán lớn, ao chuôm khô sạch nước. Cá tôm phơi xác. Chim chóc trốn biệt đi nơi khác. Đồng điền quạnh vắng, chỉ có gió nam thổi mù mịt đất cát. Nhưng rất lạ, sau một đêm ngủ dậy, người ta thấy diệc bay về rất nhiều. Diệc chen chúc nhau ở các lòng ao lòng chuôm khô nẻ đất. Trời đang nắng chang chang bỗng tối sầm vần vũ mây đen, và giông tố nổi lên. Mưa! Mưa! Mưa xối xả. Đồng ruộng được tưới mát. Ao chuôm đầy ắp nước. Bà con nông dân sung sướng kéo nhau ra đồng, ngạc nhiên thấy cảnh tượng đau lòng: hàng trăm con diệc nằm chết la liệt. Ai cũng bảo những con diệc này do Nhà trời phái xuống để làm mưa. Họ nhặt xác diệc lại một nơi và đắp thành một cái gò nhỏ. Từ hôm ấy, đêm nào người ta cũng thấy từ gò đất đàn diệc bay lên trời... Các cụ già nảy ra ý định xây trên gò đất một ngôi chùa, và dân trong vùng quen gọi là Chùa Diệc.

Đời vua Thành Thái (1873), đất Vinh mới được nhà vua ký đạo dụ thành lập thị xã. Trước đó rất lâu, năm 1742, chùa Diệc đã được dựng lên. Thuở ban sơ, chỉ là một ngôi nhà gianh nho nhỏ, tường vách sơ sài, bao quanh bởi khu vườn rậm rạp. Năm này qua năm khác, chim muông kéo nhau về rất đông và khách thập phương về lễ bái tấp nập.

Ngày rằm tháng bảy năm ấy, vị sư trụ trì tại chùa nằm mơ thấy chim diệc bay về kín vườn, rồi lại rủ nhau bay về trời. Bà con dân làng bàn nhau góp công đức, xây dựng chùa khang trang. Những năm tiếp theo, chùa được tu bổ dần và trở thành một trong những địa chỉ văn hóa có giá trị lớn về kiến trúc và lịch sử.

Chùa tọa trên một khu đất rộng chừng ba ha. Tuy ở cạnh đường thiên lý, nhưng bước vào chùa, du khách bỗng có cảm giác êm ả, thanh tịnh. Lũy cây bao bọc. Vườn tược sầm uất, thơm hương hoa trái và ríu rít chim muông. Hồ sen thanh khiết. Tháp nhỏ trầm tư, lãng đãng linh hồn các phật tử quá cố, sinh thời đã góp nhiều công sức xây dựng chùa.

Lẫn vào bóng cây bóng tháp, lẫn vào trong tiếng chim và hương hoa là những đường nét dựng xây cổ kính. Thượng điện dài 13,60 m rộng 8,61 m. Hạ điện dài 10,6 m rộng 8 m. Tam quan với lầu gác chuông đường bệ. Trước tam quan là một cái hồ rộng càng tăng thêm vẻ trang nghiêm và u tịch của nhà Phật. Trong chùa có mười bảy pho tượng mà gương mặt dồn lên nỗi suy tư nhân thế. Phía trong uy nghi và trầm mặc những bức đại tự lưỡng long triều nguyệt, câu đối sơn son thiếp vàng, tòa sen và hương án lung linh ánh nến. Đặc biệt có hai bia đá lớn, cao 2 m rộng 1 m với những hình chạm khắc tinh vi... Cửa Thiền rạng sáng sự tế độ và dòng nước sông Vĩnh đón nguồn từ xa chảy về vĩnh viễn chiếu vào đôi câu đối: Thiền môn quang phổ độ - Vĩnh thủy viễn trường lưu. Lòng người cầu mong sự hòa mục và phép Phật ưa chuộng điều tín điều trung chiếu vào đôi câu đối: Nhân tâm cầu hòa lạc - Phật pháp thượng tín trung.

***

Ngôi chùa hầu như gắn liền với bao biến thiên lịch sử, với bao nhiêu sự kiện trọng đại của thành phố. Nơi đây đã in dấu chân của nhiều tao nhân mặc khách, của nhiều nhà chí sĩ yêu nước và nhiều chiến sĩ cộng sản.

Thời kỳ Cần Vương, vườn cây sầm uất sau chùa là điểm hẹn gặp gỡ của một số nhà Văn thân bàn tính lập mưu đánh Pháp. Quán lau ở gần đó là bãi hành hình đẫm máu. Đầu của nghĩa quân đã rơi xuống và cổng chùa càng dựng lên trang nghiêm.

Vào những năm đầu của thế kỷ 20 chùa là nơi liên lạc bí mật của Phan Bội Châu cùng với các đồng chí của mình. Tháng 3-1926, hội Phục Việt đã tổ chức một cuộc mít-tinh lớn tại chùa Diệc đòi xóa án Phan Bội Châu và truy điệu Phan Chu Trinh. Hàng ngàn người dân thành phố và học sinh trường Quốc học Vinh đã tới dự. Tiếng mõ cầu siêu cho nhà chí sĩ Phan Chu Trinh thấm vào lòng người nỗi tiếc thương da diết và khơi gợi tình cảm yêu nước nồng nàn.

Cũng vào dịp mùa xuân năm đó, phong trào đấu tranh của nhân dân lên cao buộc thực dân Pháp phải để cụ Phan Bội Châu đang bị giam lỏng ở Huế được về thăm quê Nam Đàn. Cuộc đón tiếp diễn ra ở Vinh vô cùng sôi động. Nhiều học sinh và sinh viên xứ Nghệ đang học ở Hà Nội cũng tìm cách trở về Vinh trong dịp này. Chùa Diệc mở cửa, lung linh ánh nến và vang rền tiếng mõ, tiếng chuông.

Trước hội quán Quảng Tri, tề tựu đông đúc các vị nhân sĩ, giáo sư, viên chức. Thầy giáo Lê Thước đọc diễn văn chào đón: "Cụ là một vĩ nhân ái quốc, rất kiên nhẫn, mà Ông Xanh giáng sinh ra giữa đất Nghệ An. Hai chục năm thừa đi ra ngoại quốc lấy bút làm chuông, lấy nghiên làm mõ, đánh thức quốc dân trong cơn mê mẩn mấy trăm năm..."

Lễ truy điệu cụ Phan Chu Trinh và đón tiếp cụ Phan Bội Châu là một cuộc tập hợp lực lượng quần chúng, chùa Diệc càng được người ta nhắc đến như một địa điểm thiêng liêng kết hợp nhuần nhuyễn giữa Đạo và Đời.

Năm 1941, Đội Cung dấy binh khởi nghĩa ở đồn Rạng (Đô Lương), kéo về đột nhập thành Vinh. Sau khi bị lộ và bị thất bại, ông đã trốn vào chùa ẩn nấp mấy hôm, rồi rút lên Cổng Chốt.

Phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh 1930-1931 sôi sục các cuộc biểu tình, cờ búa liềm và truyền đơn. Thành phố Vinh náo động khí thế đấu tranh của thợ Trường Thi, của nông dân làng Đỏ, với ngọn cờ Bến Thủy, với cuộc biểu tình Thái Lão... thì chùa Diệc cũng là nơi thầm lặng giấu các chiến sĩ cộng sản.

Vị sư trụ trì chùa cảm nhận được sự chuyển biến đúng hướng của thời cuộc, đã lặng lẽ cầu kinh niệm phật và theo dõi mọi biến động xảy ra hằng ngày. Vị sư ấy có một cuốn sổ riêng, ghi tên những người đã ngã xuống ở Vinh trong phong trào do Đảng lãnh đạo. Hồn thiêng của các liệt sĩ siêu thoát trong hương thơm cửa Thiền cùng với sự trường tồn của một miền đất lửa...

***

Trước cổng chùa, bên kia hồ, là trường Quốc học Vinh. Trường thành lập từ năm 1920. Niên khóa đầu có bốn mươi lăm học sinh. Nhưng niên khóa sau, số học sinh tăng lên. Sự hiện diện của ngôi trường làm tăng thêm sự linh thiêng của chùa Diệc. Trường học và Nhà chùa tạo thành một trung tâm văn hóa của thành phố Vinh.

Trên Quán Thầu Đâu dân dã thuở ấy, Quốc học Vinh được dựng lên tôn nghiêm mái trường hài hòa với sự trang nghiêm của mái chùa, các thế hệ trí thức lần lượt xuất hiện. Họ trở thành những nhà khoa học, nhà văn, nhà hoạt động chính trị...

Học sinh trường Quốc học với ngôi chùa có mối liên hệ khá mật thiết. Năm cụ Phan Chu Trinh qua đời, hầu hết học sinh tham gia lễ truy điệu tại chùa Diệc. Năm 1927, nhà trường tổ chức Chi bộ Thanh niên cách mạng đồng chí hội. Nhiều cuộc họp kín của chi bộ được tiến hành ngay tại vườn chùa... Trong số học sinh của trường , có đồng chí Nguyễn Tiềm, mười tám tuổi, đã là Bí thư Tỉnh ủy đầu tiên của Đảng bộ Nghệ An, hy sinh trong tù. Chắc hẳn trong cuốn sổ ghi các liệt sĩ cộng sản của vị sư chùa Diệc có tên Nguyễn Tiềm...

Sự liên hệ mật thiết giữa các thầy giáo, học sinh trường Quốc học Vinh với chùa Diệc qua nhiều năm tháng như sợi dây xe kết âm thầm và bền vững.

Từ mối liên hệ này, đã dẫn đến một sự kiện văn học quan trọng: Năm 1926, thầy giáo Lê Thước đã phát hiện được văn bản gốc Văn chiêu hồn (tức Văn tế thập loại chúng sinh) của Nguyễn Du tại chùa Diệc.

Lê Thước sinh năm 1891, quê huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Kỳ thi hương cuối cùng ở trường Nghệ năm 1918, ông đậu Giải nguyên. Sau đó ông chuyển sang Tây học một cách nhanh chóng và có hiệu quả.

Tốt nghiệp Trường cao đẳng sư phạm Hà Nội, ông về Nghệ An thành lập "Hội Hàn lâm Nghệ An" và dạy trường Quốc học Vinh. Nhà trường ở gần chùa Diệc, những ngày chủ nhật, ông thường sang chùa trò chuyện với vị sư cao tuổi. Thấy vị sư có trình độ học vấn uyên thâm, Lê Thước càng thích gần gũi. Vị sư cũng càng ngày càng quý trọng Lê Thước.

Bất ngờ một hôm, vị sư cho Lê Thước xem bản chép tay bằng chữ Nôm Văn chiêu hồn của Nguyễn Du. Lê Thước hối hả đọc, sung sướng run người. Những năm trước, Lê Thước đã say mê tìm hiểu Nguyễn Du. Nhiều lần ông còn về Tiên Điền trò chuyện với bà con họ Nguyễn để thu thập tư liệu. Ông đã cùng với Phan Sĩ Bàng viết cuốn Truyện cụ Nguyễn Du. Sự đeo đuổi kiên nhẫn đã đem lại cho ông một niềm vui lớn: tìm được Văn chiêu hồn đã từng lưu lạc hàng trăm năm mà chưa hề ai nhắc đến. Như một sự tình cờ, Văn chiêu hồn được lưu giữ ở chùa Diệc, cách quê Nguyễn Du chừng mười lăm ki-lô-mét, một ngôi chùa mà huyền thoại như đã sắp xếp để cất giấu tác phẩm đầy nhân ái này.

Đàn diệc xa xưa đã bay về báo hiệu cơn mưa trong mùa đại hạn. Rồi đàn diệc ấy lại chết sau mùa đại hạn. Có phải đàn diệc ấy cũng là thành phần trong thập loại chúng sinh mà Nguyễn Du muốn chiêu hồn?

Từ hôm ấy, học sinh trường Quốc học Vinh nhìn chùa Diệc với tấm lòng yêu mến và kính trọng hơn. Dưới mịt mù bụi cát thời gian là tầng tầng vỉa quặng văn hóa lấp lánh tâm linh dân tộc. Lẫn trong hương khói, trong tiếng chuông, tiếng khánh, tiếng mõ cầu kinh, người ta nghe văng vẳng nhịp thơ Văn chiêu hồn:

Phật hữu tình từ bi phổ độ
Chớ ngại rằng có có không không,
Nam vô Phật, nam vô pháp, nam vô tăng
Nam vô nhất thiết siêu thăng thượng đài

VIDEO CLIPS
Video
Khách sạn Sao Mai Vinh
LĨNH VỰC KINH DOANH
HỖ TRỢ TRỰC TUYẾN

Hotline - 0904.235.236

Hội nghị - 0903.235.236

Đặt phòng - 0238.3737.777
Today: 73
Hit counter: 610,663
FANPAGE FACEBOOK
 
Khách sạn Sao Mai Hotel
Địa chỉ: Đường Lê Nin - TP Vinh - Nghệ An
Tel: 0238.3737.777 - Hotline: 0903.235.236 - 0904.235.236
Email: saomaihotelvinh@gmail.com - Website: http://saomaihotelvinh.com