CẨM NANG > ĐỊA ĐIỂM DU LỊCH NGHỆ TĨNH
Print - Views: 2532
Đền Chế thắng phu nhân Nguyễn Thị Bích Châu
Tin đăng ngày: 9/4/2015 - Xem: 2532
 

Đền Chế thắng phu nhân ở làng Hải Khẩu, tổng Hoằng Lễ (nay là xã Kỳ Ninh) nên thường gọi là đền Hải Khẩu. Đền dựng khoảng cuối thế kỷ XV, thờ bà Nguyễn Cơ Bích Châu, cung phi của vua Trần Duệ Tông (1337-1377).

       Theo truyện “Đền thiêng ở cửa bể” (Hải Khẩu linh từ) trong sách “Truyền kỳ tân phả” của Đoàn Thị Điểm (1705-1748) thì nàng họ Nguyễn tên là Bích Châu, con quan đại thần Nguyễn Tướng Công. Bà được cha mẹ nâng niu như châu ngọc trên tay và đặt tên Nguyễn Thị Bích Châu. Lớn lên Bích Châu không những đẹp người, đẹp nết, mà còn rất đỗi thông minh, được cha mẹ dạy giỗ chu tất. Vì vậy khi mới 13 tuổi, Bích Châu đã thông thạo “Tứ Thư Ngũ Kinh”.
       Năm Long Khánh thứ nhất (1373) được vua Duệ Tông kén vào hậu cung. Nhân một vế đối của nàng (đối lại vế đối của vua) có chữ Phù dung, vua đặt tên hiệu cho là Phù Dung và rất yêu quý nàng. Thấy triều cương ngày càng sa sút, chính sự đổ nát, nhân tài không được trọng dụng, nịnh thần lộng hành… nên đã tự mình thảo “Kê minh thập sách” dâng lên vua Trần Duệ Tông. “Kê minh thập sách ” nghĩa là 10 kế sách trị nước, an dân dâng lên lúc gà gáy sáng. Đây là áng văn chính trị cổ xưa của nước ta, bao gồm những vấn đề trọng đại của đất nước trên cả ba lĩnh vực: Chính trị - Văn hóa - Quân sự. Có thể coi đó là đạo lý - là kế sách dựng nước và giữ nước cho muôn đời. Sớ dâng lên vua, vua Trần thích lắm đập tay vào phách mà rằng: “Không ngờ một người đàn bà lại thông tuệ đến thế, xứng là một quý phi tài ba của trẫm!”. Nhưng rồi nhà vua vẫn không thay đổi chính sự. Hơn thế nữa, sau khi lên ngôi được 4 năm, Trần Duệ Tông muốn cất quân đánh Chiêm Thành, nàng lại cùng Ngự sử Lê Tích hết sức can ngăn, vua vẫn không nghe, nàng bèn xin theo hầu.

Đền Chế thắng phu nhân Nguyễn Thị Bích Châu

Đền Chế thắng phu nhân Nguyễn Thị Bích Châu

       Vua Duệ Tông thân chinh cất quân đánh Chiêm Thành, đạo quân của triều đình được chia làm ba cánh quân, trống dong, cờ mở tiến thẳng tới biên thùy. Vua Trần cho quân tiến vào biển Thị Nại và đóng quân ở Đông Y Mang. Năm ấy là năm Đinh Tỵ (1377). Vào lúc nửa đêm ngày 10 tháng 2 năm 1377, quân địch tổ chức lực lượng bất ngờ tiến đánh vào doanh trại của cánh quân vua Trần Duệ Tông. Bị tiến đánh bất ngờ, lại lơ là mất cảnh giác nên quân của triều đình lâm vào tình cảnh khốn khó, long thể vua Trần có nguy cơ bất an, khó bảo toàn được tính mạng. Trong tình thế đó, để bảo vệ vua, Bích Châu thân chinh đứng ra chỉ huy đạo quân vừa bảo vệ vua lên xe giá, vùa chỉ huy cánh Trung quân xông pha trận mạc bảo vệ vua. Trong trận chiến, thật không may Bích Châu bị trúng mũi tên độc. Rạng sáng ngày 11 tháng 2 năm 1377, sau khi hội quân về địa điểm an toàn, quí phi Nguyễn Thị Bích Châu đã bất tỉnh. Quân sĩ hết lòng cứu chữa, nhưng vì vết thương quá nặng, nên đến giữa đêm, vào giờ Tý ngày 12 tháng 2 năm 1377, quí phi Nguyễn Thị Bích Châu đã ra đi.

       Ba ngày sau khi Bích Châu mất, vua Trần Duệ Tông cũng băng hà. Sau khi vua chết, ba cánh quân được lệnh hồi quân về triều. Linh cữu của vua Trần Duệ Tông và quí phi Bích Châu được đưa xuống thuyền về theo đường thủy, do đô đốc Lê Long Tĩnh cùng 50 chiến thuyền hộ giá. Đoàn thuyền về đến tận đất Châu Hoan thì bị trận nghịch phong không tiến lên được, đành phải trú quân vào vũng Ô Tôn (Vũng Áng) để tránh gió. Linh cữu của vua Trần Duệ Tông được rước về theo đường bộ để triều đình kịp an táng, làm lễ; còn linh cữu của quí phi để lại, chờ sóng yên biển lặng sẽ tiếp tục hành quân tiếp. Sau một ngày chờ đợi, đoàn thuyền cùng với thi hài của quí phi tiếp tục hành quân về triều. Nhưng đi được khoảng 500 dặm thì lại bị gió Bắc tràn xuống làm cho đoàn thuyền không tiến lên được. Quan hướng đạo liền cho quân lánh vào trú ở Cửa Khẩu thuộc Kỳ Hoa (nay là huyện Kỳ Anh). Chờ lâu ngày biển không yên, triều đình xuống chiếu cho an táng linh cửu của quí phi tại bản xứ (Cửa Khẩu) và đồng thời lập miếu thờ vọng tại chân núi Mũi Dòn (đèo Eo Bạch - Vũng Áng ngày nay) để nhân dân ngày đêm hương khói thờ phụng.
      Về sự hy sinh của quí phi Bích Châu, còn có truyền thuyết lưu truyền rằng: Đoàn quân của vua Trần Duệ Tông trên đường đi chinh phạt Chiêm Thành, khi đi qua Cửa Khẩu, Kỳ Hoa bổng nhiên biển nổi sóng to, gió lớn, đoàn quân không tài nào tiến lên được. Trong trận nghịch phong thần biển xuất hiện đòi vua Trần phải gả cho mình một cung phi để làm vợ. Trong lúc vua Trần chưa biết xử lý thế nào thì Bích Châu đã tự nguyện hiến mình cho giao thần để cứu ba quân. Nàng nhảy xuống biển, tự nhiên gió im, sóng lặng. Nhưng lần ấy, vua Duệ Tông bại trận và chết trong quân. Đó là ngày 23 tháng Giêng năm Đinh Tỵ (1377).
       Một thế kỷ sau, năm Canh Dần (1470), vua Lê Thánh Tông đi đánh Chiêm Thành qua cửa biển Kỳ Hoa, Nàng Bích Châu báo mộng xin nhà vua cứu giúp. Vua sai làm tờ điệp trách vua Thủy tề là Quảng Lợi vương, bắn ra biển. Vua Thủy tề liền ra lệnh tróc nã giao thần (thần thuồng luồng). Thi hài nàng Bích Châu nổi lên mặt nước, vẫn như người nằm ngủ. Nhà vua sai làm lễ mai táng nàng ở bãi Bạch Tấn, lại sai lập đền (miếu) thờ ở cửa biển và có sắc phong thần cho nàng. Sắc phong có hai chữ “Chế thắng” nên đền này được gọi là “Đền bà Chế thắng” (Chế thắng phu nhân từ).
       Chính sử không chép gì về Nguyễn Cơ Bích Châu. Chuyện trên chỉ là một tác phẩm văn học, dựa theo truyền thuyết dân gian. Nhưng việc một cung phi của vua Trần Duệ Tông chết ở cửa biển Kỳ Hoa là có thật. Khi vua Lê Thánh Tông qua đây, nghe kể chuyện nàng Bích Châu bèn sai lập đền thờ. Cũng có thể nhân dân đã lập đền thờ Nguyễn Cơ trước, khi Thánh Tông qua đây biết chuyện mới có sắc phong (?). Đền Chế thắng phu nhân từ ấy đến nay ngày càng được sửa sang to đẹp. Trước là tòa hạ đường nguy nga cổ kính; phía sau là tòa thượng đường. Tương truyền phía sau là lăng mộ (?). Trong đền có rất nhiều tự khí, hoành phi, đối liễn sơn son thiếp vàng do các trấn quan tỉnh, phủ, huyện, tổng, xã cúng. Đây là một câu đối của Trấn tướng họ Phạm:
       - “Ngọc diện hội giang sơn, Trần chi hậu, Lê chi tiền, nhất phiến cương thường phù địa trục;
       - Băng tâm bang thủy quốc, tùng chi phong, mai chi tuyết, thiên thu khí cốt trấn thiên duy”.
Dịch nghĩa:
       - Mặt ngọc hội non sông, sau Trần trước Lê, một mảnh cương thường nâng trục đất.
       - Lòng băng ngời biển cả, gió tùng mai tuyết, nghìn thu khí cốt trấn ven trời.

       Trãi qua bao biến cố thăng trầm của lịch sử, đền thờ Chế thắng phu nhân Nguyễn Thị Bích Châu luôn được nhân dân trong vùng chăm nom, giữ gìn, tôn tạo, bảo quản chu đáo và ngày đêm hương khói. Năm 1991, được Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng di tích Lịch sử - Danh lam thắng cảnh cấp Quốc gia. Hằng năm đến tháng 2 Âm lịch, nhân dân địa phương và đạo hữu xa gần lại hành hương về đền thờ Thánh Mẫu để tế lễ, dâng hương tưởng nhớ đến ngày mất của Bà; cầu phúc cho bản thân, gia đình và người thân.

VIDEO CLIPS
Video
Khách sạn Sao Mai Vinh
LĨNH VỰC KINH DOANH
HỖ TRỢ TRỰC TUYẾN

Hotline - 0904.235.236

Hội nghị - 0903.235.236

Đặt phòng - 0238.3737.777
Today: 62
Hit counter: 610,572
FANPAGE FACEBOOK
 
Khách sạn Sao Mai Hotel
Địa chỉ: Đường Lê Nin - TP Vinh - Nghệ An
Tel: 0238.3737.777 - Hotline: 0903.235.236 - 0904.235.236
Email: saomaihotelvinh@gmail.com - Website: http://saomaihotelvinh.com